7 quy tắc để giữ một trái tim lãng mạn và một cái đầu thực tế

 Một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất xoay quanh các mối quan hệ là ta luôn cho rằng mình không cần phải khôn ngoan hơn hay trở nên tốt hơn.

Và hơn bao giờ hết, ta cần nhận ra mình phải học kỹ năng “lãng mạn một cách thực tế”, để nhận thức được những gì ta có thể mong đợi ở tình yêu và lý do tại sao, trong phần lớn cuộc đời, ta sẽ thất vọng chẳng vì lý do gì đặc biệt.

Chúng ta thường hy vọng tình yêu là nguồn hạnh phúc lớn lao nhất. Nhưng trong thực tế, tình yêu lại là một trong những con đường dễ dàng nhất dẫn đến đau khổ. Một số nỗi đau còn lớn hơn cả những gì chúng ta từng trải qua trong các mối quan hệ khác.

Vấn đề thường bắt đầu từ việc ta luôn lạc quan về tình yêu, bất chấp những số liệu thống kê về tình trạng tan vỡ xảy ra mỗi năm. Dường như không có thông tin nào đủ lớn để lay chuyển niềm tin của chúng ta vào tình yêu. Cả ngàn vụ ly hôn đi qua cửa, và dường như chẳng có gì ảnh hưởng đến ta hết. Chúng ta tiếp tục nghĩ đến tình yêu như một xúc cảm nồng nhiệt, hơn là một kỹ năng phải học được.

Một trong những sai lầm nghiêm trọng nhất xoay quanh các mối quan hệ là ta luôn cho rằng mình không cần phải khôn ngoan hơn hay trở nên tốt hơn. Và hơn bao giờ hết, ta cần nhận ra mình phải học kỹ năng “lãng mạn một cách thực tế”, để nhận thức được những gì ta có thể mong đợi ở tình yêu và lý do tại sao, trong phần lớn cuộc đời, ta sẽ thất vọng chẳng vì lý do gì đặc biệt. Trên thực tế, ta luôn có thể trở nên tốt hơn khi yêu một người. Chúng ta biết mình đã sẵn sàng cho một mối quan hệ khi:

Chấp nhận rằng hoàn hảo là không thực tế

Chúng ta nên chấp nhận ngay từ đầu rằng bất cứ ai bên cạnh ta đều sẽ không hoàn hảo: có những lúc họ trở nên cáu kỉnh, khó tính, đôi khi phi lý và thường không thể thông cảm hay thấu hiểu chúng ta. Tuy nhiên, hãy hiểu rằng tất cả chúng ta đều là những con người thiếu sót. Bất cứ ai sánh đôi cùng nhau cũng đều không hoàn hảo theo những cách khác biệt.

Để nhận ra điều này, đôi khi ta phải trải qua một vài mối quan hệ, không phải để tìm ra cơ hội chọn “đúng người”, mà để trong nhiều bối cảnh, ta học cách nhận ra sự thật rằng tất cả mọi người (ngay cả với người mà ta kỳ vọng nhất) cũng có một chút sai lầm khi lại gần.

Học cách đổ lỗi cho tình yêu thay vì người ta yêu

Khi gặp khó khăn trong các mối quan hệ, chúng ta có xu hướng suy nghĩ rằng mình đang ở bên một người khó chịu. Cần phải có ai đó để đổ lỗi, và theo cách tự nhiên, ta luôn đổ hết mọi thứ cho đối phương, bất chấp việc đó khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Đến một thời điểm nhất định, ta thoát ra khỏi mối quan hệ quá sớm. Thay vì điều chỉnh nhận thức về bản chất mối quan hệ nói chung là thế nào, ta chuyển sang hi vọng rằng người đến sau - và cũng là người mà ta tin tưởng - sẽ không lặp lại bất kỳ vấn đề nào mà ta gặp với người cũ. Chúng ta đổ lỗi cho đối phương thay vì đổ lỗi cho tình yêu, thứ đáng lẽ là nguyên nhân chính xác nhưng khó nắm bắt hơn.


Nhận ra tình yêu luôn mang đến những yêu cầu phi lý

Ta thường lý tưởng hóa sự lãng mạn khi cho rằng điều đó sẽ khiến ta đối xử tốt với người yêu của mình hơn bất cứ ai trên giới này. Ta chọn họ vì ta dành cho họ rất nhiều tình cảm, và vì thế cũng thể hiện ra những khía cạnh tốt nhất, dịu dàng nhất của mình trong mối quan hệ.

Nhưng thực tế lại rất khác. Chúng ta có xu hướng đối xử kém tử tế với người mình yêu hơn hầu hết mọi người. Điều gì giải thích cho thái độ tiêu cực ấy? Đầu tiên là bởi cuộc sống của chúng ta có nhiều sự kết nối khác, mà phần lớn trong ấy là bạn bè, đồng nghiệp… những người chỉ ở cùng ta một thời gian nhất định trong ngày, và việc đối thoại đôi khi không đi xa hơn những câu chuyện phiếm…

Nhưng với người bạn đời thì cần nhiều hơn thế: ta yêu cầu họ trở thành người yêu, người bạn thân nhất, người tri kỷ, người chăm sóc, người cố vấn tài chính, người lái xe, người cùng giáo dục con cái, đối tác xã hội và là bạn tình của mình. Cùng với họ, ta có thể xây dựng một tổ ấm, nuôi dạy những đứa trẻ, sắp xếp tài chính gia đình, chăm sóc bố mẹ, quản lý sự nghiệp, đi nghỉ mát và cả khám phá đời sống tình dục. Bản mô tả công việc quá dài và quá đòi hỏi đến nỗi chẳng ai có thể đáp ứng được hoàn hảo dù chỉ là một phần nhu cầu. Yêu cầu ai đó ở bên ta hóa ra lại là một yêu cầu khó khăn, và vì thế, lại trở nên ý nghĩa hơn khi đưa ra với người mà ta thực sự muốn dành điều tốt nhất cho họ.

                                            Nhưng với người bạn đời thì cần nhiều hơn thế…

Tình yêu cũng cho ta cảm giác an toàn khi để cho đối phương thấy được con người thật của mình - khía cạnh vốn ta đủ khôn ngoan và tử tế để không chia sẻ với bất kỳ ai khác. Bản chất con người về cơ bản là khó hòa hợp, chỉ là không ai đủ quan tâm để nói với chúng ta điều đó. Bạn bè của ta không thấy phiền, người yêu cũ của ta chỉ sớm muốn thoát khỏi mối quan hệ, còn bố mẹ ta lại luôn mù quáng bỏ qua những lỗi lầm ta gặp phải.

Sẵn sàng yêu hơn là được yêu

Ta thường chỉ bắt đầu mối quan hệ khi được yêu. Điều đó đôi khi là sai lầm. Cũng như một đứa trẻ luôn cho rằng bố mẹ tự nhiên ở đó để vỗ về, dạy bảo, mua vui, cho ăn và dọn dẹp, trong khi vẫn phải tỏ ra yêu thương và vui vẻ. Nhưng thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ không tiết lộ về việc họ thường xuyên phải kiềm chế để không bật khóc và cảm thấy quá mệt mỏi vào lúc cuối ngày. Chúng ta nên từ bỏ mong muốn được yêu và thay vào đó là phấn đấu để yêu.

Chấp nhận rằng các mối quan hệ đều cần quản lý

Người lãng mạn thường chỉ nhìn nhận mối quan hệ theo cảm xúc. Nhưng đời sống của các cặp vợ chồng thường đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề thực tế. Họ phải lập danh sách các công việc như dọn dẹp, nấu nướng, sửa chữa, đổ rác, hòa giải, quản lý ngân sách…

Không có hoạt động nào trong số này được coi là lãng mạn theo định nghĩa của xã hội. Do đó những người bị ràng buộc bởi những “trách nhiệm gia đình” này đều có lúc cảm thấy không ổn. Tuy nhiên những việc này lại là sự “lãng mạn” đích thực để bồi đắp cho một tình yêu thuận lợi và bền vững, và có thể coi là nền tảng của một mối quan hệ thành công.

Hiểu rằng tình yêu và tình dục không nhất thiết đi cùng nhau

Chúng ta thường quan niệm rằng tình yêu và tình dục luôn song hành với nhau. Nhưng thực tế, chúng sẽ không vượt quá vài tháng, hoặc nhiều lắm là một hoặc hai năm. Đây không phải lỗi của ai cả. Bởi mối quan hệ lâu dài sẽ có những mối bận tâm khác như những trách nhiệm xã hội hay nỗi lo cơm áo gạo tiền, và tình dục có thể bị ảnh hưởng. Chúng ta sẵn sàng bước vào một mối quan hệ lâu dài khi ta chấp nhận tình dục đôi khi không phải là yếu tố quan trọng nhất.


Chúng ta sẵn sàng bước vào một mối quan hệ lâu dài khi ta chấp nhận tình dục đôi khi không phải là yếu tố quan trọng nhất

Nhận ra việc ta không sinh ra để dành cho nhau

Ta kỳ vọng tìm được người phù hợp có thể chia sẻ sở thích, thị hiếu và có chung thái độ với cuộc đời. Điều này có thể đúng trong ngắn hạn. Nhưng sau một khoảng thời gian dài, những sự tương thích sẽ mờ nhạt dần và thay vào đó là sự khác biệt sẽ xuất hiện. Người thực sự phù hợp với ta không phải là người cùng chia sẻ sở thích mà là người có thể thỏa hiệp sự khác biệt một cách thông minh và khéo léo. Khả năng chấp nhận sự khác biệt chính là yếu tố đích thực để tìm ra đúng người. Và đây nên được hiểu như là một thành quả của tình yêu, chứ không phải là một điều kiện.

Trong những giai đoạn khó khăn, chúng ta thường than thở rằng hóa ra yêu đương chẳng phải là một chuyện dễ dàng. Theo thời gian, ta thường xuyên cãi vã vì những việc nhà cỏn con mà quên đi những niềm phấn khích ban đầu. Những khó khăn không chỉ khiến chúng ta căng thẳng mà còn khiến ta mất dần cảm giác yêu, một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đang rạn nứt. Sai lầm nằm ở chỗ ta luôn cho rằng yêu chỉ là cảm xúc chứ không phải kỹ năng. Thực tế, ta phải học cách yêu như cách chúng ta học bất cứ điều gì khác. Hãy khiêm tốn chấp nhận tình yêu là một điều cần được học hỏi!

Không có nhận xét nào:

Được tạo bởi Blogger.